11:56 AM|24/05/2021    5,964 lượt xem

  

Tổng công ty VNPT VinaPhone đã vượt qua hành trình 25 năm để đạt được vị trí xứng đáng trên thị trường viễn thông và là một trong những đơn vị thành viên, đóng vai trò quan trọng, kinh doanh chủ lực của Tập đoàn.

Chặng đường hình thành VNPT VinaPhone

Trong giai đoạn 5 năm sau khi đổi tên, thị trường di động của Việt Nam tiến vào giai đoạn bước ngoặt dẫn tới rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của VinaPhone. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn vượt qua và đạt được những bước phát triển nhanh chóng.

VinaPhone chiếm một thị phần tốt trên thị trường viễn thông Việt Nam

Từ 1.000 trạm BTS ban đầu, VinaPhone đã mất thêm vỏn vẹn 5 năm để nhân con số lên gấp 10 lần, tương đương với việc mở rộng quy mô mạng lưới lên tới 10.000 trạm BTS. Cùng thời điểm trên, số lượng thuê bao di động Vinaphone  tăng gấp 7 lần thuê bao trước đó khi đạt mốc 12 triệu thuê bao.

Để làm được điều ấy, ông Hoàng Trung Hải, nguyên giám đốc VinaPhone đã từng chia sẻ về kinh nghiệm mình đạt được trong một chuyến công tác tới Trung Quốc vào năm 2003. Tại một tỉnh của Trung Quốc, ông Hải nhận ra, tuy số dân khoảng 40 triệu người nhưng họ đã phát triển tới 10.000 trạm BTS để phục vụ thông tin liên lạc.

Như vậy, con số 1.000 trạm BTS của toàn bộ hạ tầng mạng lưới để phủ sóng khắp cả nước của VinaPhone mới khiêm tốn làm sao. Số lượng này hoàn toàn không đủ để đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc của toàn bộ người dân Việt Nam. Do đó, VinaPhone cần quyết tâm tăng tốc trong kế hoạch phát triển và mở rộng của mình.

Cuối cùng, VinaPhone đã dồn hết tâm huyết vào những dự án phát triển mạng lưới lớn gấp cả chục lần so với những dự án đầu tư được coi là “lớn” trước đây. Nhờ vậy, những vùng phủ sóng của đơn vị được mở rộng nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn. Điều này đã lập tức nâng tầm sức cạnh tranh của VinaPhone với các mạng khác.

Tính đến cuối năm 2008, VinaPhone đã chiếm 20% thị trường thông tin di động, trở thành mạng di động lớn thứ ba Việt Nam, chỉ xếp sau hai “ông lớn”khác là Mobifone với 41% và Viettel với 34%. VinaPhone cũng rất được lòng nhóm khách hàng là viên chức Nhà nước vì có đông đảo người sử dụng, thậm chí còn được gọi là Mạng di động của viên chức nhà nước.

Tới tháng 10/2009, VinaPhone đã góp phần đưa nước ta tiến sát và đồng hành với sự phát triển của viễn thông thế giới khi đơn vị này trở thành nhà mạng di động đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam.

Với những thành tựu nổi trội trong hoạt động kinh doanh và cung cấp dịch vụ 3G, VinaPhone đã được trao tặng giải thưởng “Đơn vị cung cấp mạng 3G tốt nhất” vào năm 2011.

Thời điểm tiến hành tái cấu trúc, trở thành Tổng công ty dịch vụ viễn thông VNPT VinPhone.

Năm 2015, VinaPhone tiến hành tái cấu trúc, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử hình thành và phát triển của mình. Trở thành Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone vào ngày 11 tháng 08, đơn vị đưa ra mục tiêu phát triển đưa VNPT đến vị trí số 1 trên thị trường viễn thông, CNTT tại Việt Nam.

Với sự thay đổi này, VinaPhone không chỉ có sự biến động lớn về nhân sự, về mô hình sản xuất kinh doanh mà còn trở thành đơn vị kinh doanh tất cả các dịch vụ của VNPT, không chỉ dịch vụ di động mà còn cả dịch vụ internet (MegaVNN, FiberVNN), điện thoại cố định, dịch vụ truyền hình MyTV... 

Kết quả của quá trình tái cấu trúc được thể hiện rõ rệt. 14.000 cán bộ công nhân viên của của VinaPhone đã vượt qua những thách thức của quá trình chuyển đổi một cách thành công. Doanh thu và lợi nhuận thu được đều đạt kết quả khả quan trong hai năm tiến hành tái cấu trúc. Thị phần thuê bao nhiều dịch vụ  như di động, băng rộng cáp quang… đều có dấu hiệu tăng so với giai đoạn trước khi tiến hành chuyển đổi.

Trong năm 2016, VinaPhone tiếp tục trở thành nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam khi triển khai dịch vụ 4G tại Phú Quốc vào tháng 11. Với độ trễ truyền dẫn giảm 3 lần và tốc độ dịch vụ cung cấp cho khách hàng cao gấp từ 7-10 lần so với dịch vụ 3G cũ đang cung cấp trước đó, VinaPhone đã góp phần đưa Việt Nam có mặt vào bản đồ 4G thế giới.

Chỉ sau đó 1 năm, tới tháng 6 năm 2017, VNPT VinaPhone đã khai trương chính thức cung cấp dịch vụ tại 13/63 tỉnh thành trên cả nước. Điều này sẽ tạo sự thuận lợi khi trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng, giúp họ có nhiều sự lựa chọn hơn với các gói cước 4G đa dạng. 

VinaPhone cũng là nhà mạng tiên phong áp dụng quy trình xác thực kép trong việc đăng ký dịch vụ giá trị gia tăng, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng khách hàng không muốn sử dụng vẫn bị tính tiền dịch vụ.

Năm 2018, VinaPhone là nhà mạng di động lớn thứ 2 Việt Nam chiếm 21% thị trường di động, đứng sau 60% của Viettel và 18% của Mobifone. Trên 63 tỉnh thành phố khắp cả nước, VNPT VinaPhone đã có mạng lưới kinh doanh trên 7.000 nhân viên kinh doanh và hơn 103.000 điểm kinh doanh.

Tới tháng 11 và 12/2020, Vinaphone đã chính thức thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G trên quy mô rộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Theo VNPT, tốc độ của VinaPhone 5G là hơn 1 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng không.

Vị thế VinaPhone - Nhà mạng di động lớn thứ 2 thị trường.

Hiện tại, tại thị trường Việt Nam có nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ mạng viễn thông di động gồm Viettel, Vinaphone, MobiFone, Vietnamobile, GMobile... Tuy nhiên, đa số thị phần lên tới 95% lại thuộc sở hữu của 3 nhà mạng lớn nhất, trong đó không thể thiếu cái tên Tập đoàn - công ty mẹ của Vinaphone. 

Cũng nhờ sở hữu thị phần lớn như vậy, Tập đoàn thường thu về hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm. VNPT VinaPhone cũng có nhiều thay đổi tích cực trong giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tổng công ty luôn hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tập đoàn giao: Năng suất lao động tăng bình quân 8,53%/năm; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tăng trưởng bình quân 39,2%; Nộp ngân sách nhà nước tăng trưởng bình quân 4,5%; Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trung bình 12,1%; Tổng doanh thu tăng trưởng bình quân 4,6%; Thu nhập bình quân tăng 9,3%/năm, năm 2019 đạt bình quân 27,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 40,35% so với năm 2016.

Nhờ có những đóng góp như vậy, Tập đoàn đã đạt được nhiều thành tựu tăng trưởng vững vàng. Trong năm 2020, Tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 162.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.100 tỷ đồng, lần lượt bằng 95% chỉ tiêu doanh thu năm và vượt 40% kế hoạch lãi trước thuế. Tương đương hoàn thành kế hoạch doanh thu trong năm nay sau khi đã loại trừ khoảng 2.000 tỷ đồng do yếu tố ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch trên toàn cầu, Tập đoàn đạt được những kết quả như vậy là một tín hiệu đáng mừng. Có thể thấy, Tập đoàn nói chung và VNPT VinaPhone đã khẳng định tốt vị thế của mình trong giai đoạn thách thức song hành với cơ hội của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông trong năm 2020 vừa qua.

Những Giải thưởng VinaPhone đã vinh dự đạt được.

Giải thưởng quốc tế "Băng rộng thay đổi cuộc sống" năm 2011.

Giải thưởng Stevie Awards Châu Á Thái Bình Dương về các giải pháp kinh doanh xuất sắc năm 2018.

Thương hiệu VinaPhone- top 10 thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam 2017 của Brand Finance định giá.

Thương hiệu VinaPhone - top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018 do Forbes Việt Nam trao tặng.

Được International Finance Magazine (IMF) bình chọn và trao giải thưởng "Nhà cung cấp băng rộng tốt nhất Việt Nam năm 2017" và "Nhà cung cấp các dịch vụ ICT tốt nhất Việt Nam 2017".
 

Từ khóa: Vinaphone Vina

Hỗ trợ