Theo định hướng xây dựng hệ thống CNTT hướng tới mô hình Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu giám sát thông tin và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (UBQLVNN) đã triển khai số hóa công tác quản lý, điều hành và xây dựng trục liên thông văn bản điện tử. Ở thời điểm này, Ủy ban đang hoàn thiện hạ tầng CNTT, ứng dụng quản trị nội bộ (Email, E-office, E-porter, Nhân sự…), hoàn thành giai đoạn 1 phần mềm Bộ chỉ số (kết nối thành công 19/19 doanh nghiệp; giao diện dashboard, hoạt động 24/7 trên mọi thiết bị); triển khai hội nghị trực tuyến, nâng cấp Cổng thông tin điện tử thành Cổng đa phương tiện đáp ứng yêu cầu bảo mật, chuẩn kỹ thuật hiện đại…
Việc triển khai trục liên thông văn bản điện tử giữa UBQLVNN và 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhằm nâng cao năng lực quản trị; tiết kiệm thời gian gửi/nhận và xử lý văn bản/công việc; giảm thiểu và tiết kiệm chi phí giấy tờ, lưu trữ lâu dài; toàn vẹn dữ liệu nhờ đã số hóa văn bản; đảm bảo độ tin cậy dựa trên hệ thống công nghệ an toàn, bảo mật cao; tăng sự tương tác, gắn kết giữa UBQLVNN với doanh nghiệp.
Với vai trò là một doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là đơn vị phát triển và phối hợp triển khai hệ thống trục liên thông văn bản quốc gia cùng các Bộ, Ban, ngành và địa phương. Với kinh nghiệm đã triển khai cho Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Tiền Giang,….VNPT ưu tiên hỗ trợ tư vấn, triển khai hạ tầng, phần mềm, xây dựng phương án vận hành cho UBQLVNN và 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Đi đầu về chuyển đổi số, trong thời gian vừa qua VNPT là đơn vị triển khai Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia cho Văn phòng Chính phủ. Trục liên thông văn bản quốc gia được kết nối, liên thông với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của các Bộ, ngành, địa phương qua Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước là công cụ vô cùng quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, giúp kết nối với người dân, nâng cao năng suất đội ngũ cán bộ, tối ưu hoạt động điều hành của các cơ quan Nhà nước, chuyển đổi mô hình quản trị từ bị động sang dự báo chủ động…hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Với chiến lược phát triển trong kỷ nguyên mới, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đã và đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP) hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, Trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030; trở thành một Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá để tiếp tục kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của nền kinh tế Việt Nam.
Để thực hiện định hướng chiến lược đó, bên cạnh lĩnh vực truyền thống và cốt lõi là Viễn thông, VNPT đã tổ chức lại bộ máy, thành lập Công ty công nghệ thông tin (VNPT-IT) với hàng ngàn Kỹ sư CNTT để nghiên cứu, chuyển giao, phát triển, ứng dụng phần mềm, sản phẩm dịch vụ CNTT và giải pháp tích hợp cho Chính phủ, Bộ ngành và các sản phẩm phục vụ doanh nghiệp, xã hội. Với thế mạnh tuyệt đối về hạ tầng Viễn thông, VNPT đã và đang đầu tư hạ tầng CNTT ICT với công nghệ hiện đại và dung lượng lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ CNTT và giải pháp tích hợp…
Hiện VNPT đã ký kết hợp tác toàn diện về CNTT và Smartcity với 53 UBND tỉnh/TP nhằm phối hợp tối đa các Tỉnh/TP trong việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành và phát triển kinh tế. Tính đến hết năm 2018, VNPT đã bàn giao nhiều dự án về du lịch, nông nghiệp, chính quyền điện tử và thành phố thông minh cho nhiều tỉnh thành trong toàn quốc. Đồng thời VNPT đã ký hợp tác chuyển đổi số cho các Bộ ngành và các Tập đoàn/Tổng công ty lớn, trong đó có cả phần hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ.