Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid- 19 theo hình thức điện tử trực tuyến
Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia đã đưa vào hoạt động Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, hỗ trợ nhân viên y tế trong việc quản lý và lấy mẫu xét nghiệm, khắc phục tình trạng chờ đợi khi xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm chậm, trả kết quả chậm và giảm tải cho đội ngũ y tế đang phải thao tác thủ công trong khi lấy khối lượng mẫu lớn.
Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến đang được triển khai tại các địa phương như: Tây Ninh; Bình Dương; Bắc Giang; Đồng Nai; Đồng Tháp; Cần Thơ; Vĩnh Long; Bà Rịa - Vũng Tàu… và 26 địa phương khác cũng đang trong quá trình tập huấn để triển khai.
Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ quản lý xét nghiệm, người dân tham gia lấy mẫu sẽ cài đặt ứng dụng Bluezone và khai báo y tế để được cấp một mã QR cá nhân trên điện thoại, đến khi lấy mẫu chỉ việc xuất trình QR cá nhân của mình cho nhân viên y tế.
Nhân viên y tế sẽ dùng máy quét hoặc điện thoại có cài ứng dụng nền tảng truy vết quét mã barcode trên ống nghiệm, sau đó quét mã QR cá nhân của người dân để ghép người cần lấy mẫu với ống nghiệm. Trường hợp lấy mẫu gộp, nhân viên y tế sẽ tiếp tục quét mã QR code của những người trong nhóm rồi lẫy mẫu của cả nhóm đưa vào ống nghiệm là xong quy trình lấy mẫu.
Trong trường hợp không có smartphone, người dân có thể điền vào giấy khai báo y tế được phát khi đến lấy mẫu, cán bộ y tế sẽ nhập liệu trực tiếp ngay lên nền tảng trong quá trình lấy mẫu. Người dân sẽ nhận kết quả xét nghiệm ngay trên ứng dụng Bluezone.
Nền tảng kết nối theo yêu cầu Giúp tôi!
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, mỗi ngày cả nước đang phải gồng mình chống chọi với số ca lây nhiễm ngày càng tăng, đã vượt quá 10.000 ca/ ngày. Theo thống kê, số các ca nặng chiếm khoảng 20% tổng số F0 và số các ca nhẹ/không triệu chứng chiếm khoảng 80% trên tổng số F0.
Nhu cầu được cần được tư vấn y tế và sức khỏe tâm lý đặc biệt trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết đối với người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là tư vấn hỗ trợ về chuyên khoa cho các đối tượng như các thai phụ, trẻ em, người già có bệnh mãn tính, người khuyết tật, người có bệnh nền...
Với mục đích thông qua công nghệ giúp giảm tải cho đội ngũ cán bộ y tế đang ngày đêm chống dịch, nền tảng Giúp tôi! cấp tốc được xây dựng và ra đời trong vòng 02 tuần bởi hơn 200 tình nguyện viên người Việt trên khắp thế giới, hoàn toàn miễn phí để phục vụ cộng đồng.
Thông qua ứng dụng Giúp tôi!, người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có nhu cầu tư vấn sẽ được kết nối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia tâm lý là Tình nguyện viên (TNV) Tư vấn để được hỗ trợ trực tiếp, thông qua hình thức nhắn tin (chat) hay cuộc gọi hình ảnh (video call).
Chỉ cần 15 phút và với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet, một TNV đã có thể kết nối và tư vấn cho một người dân cần giúp đỡ, thông tin cá nhân, chi tiết nội dung trao đổi giữa các TNV Tư vấn và người dân được bảo mật theo quy định của pháp luật.
Ứng dụng Giúp tôi! được thiết kế đơn giản theo tiêu chí “Nhanh chóng Kết nối - Dễ dàng Trao đổi - Mọi lúc mọi nơi”. Người dùng có thể cài đặt ứng dụng miễn phí tại App Store hoặc Google Play để nhận được trợ giúp trực tiếp từ các TNV tư vấn của Giúp tôi! với đúng chuyên môn, phù hợp yêu cầu của người dùng.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth)
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ gồm VNPT, Viettel đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống khám chữa bệnh từ xa cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố.
Đây là các cơ sở y tế cấp huyện còn chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cung cấp. Với sự kiện này, 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân COVID-19 sẽ được hội chẩn bởi các chuyên gia hàng đầu mà không nhất thiết phải chuyển lên tuyến trên.
Việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất đến từ các bệnh viện tuyến trung ương, các trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng “giờ vàng” để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong.
Tuyến dưới có thể tự tin chữa bệnh sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Điều này thực sự có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay khi dịch bệnh COVID đang diễn biến hết sức phức tạp.
Theo các y, bác sĩ, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Cùng với đó, giúp các y, bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.
Hệ thống phòng dịch bệnh Covid - VNPT NCOVI-CDC
Được xây dựng dành cho các trạm y tế, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật cũng như các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn… muốn theo dõi thông tin thành viên, VNPT NCOVI-CDC phát triển trong giai đoạn 1 của đại dịch COVID-19 (23/1-25/2020), khi Việt Nam có những ca nhiễm đầu tiên. Sang giai đoạn 2 khi virus lây lan toàn cầu, ngành Y tế cần theo dõi các ca lây nhiễm để truy tìm nguồn gốc và cách ly (6/3-19/3/2020), sản phẩm đã được hoàn thiện và triển khai chính thức từ 15/3/2020, phục vụ trạm y tế phường xã, các TTYT, trung tâm kiểm soát bệnh tật giám sát việc cách ly của người dân.
Ứng dụng ngay lập tức trở thành công cụ hữu ích phát huy vai trò giám sát bệnh dịch tại thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và quốc tế. Nhằm hỗ trợ ngành y tế - tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh, hệ thống NCOVI-CDC tiếp nhận thông tin khai báo của người dân trên ứng dụng NCOVI.
Thông tin khai báo được hệ thống chuyển đến trạm y tế (là Cơ sở Y tế tuyến đầu) theo địa chỉ của người dân khai báo. Từ những thông tin này, cơ quan quản lý y tế sẽ có sự chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng để phòng chống dịch. Đồng thời có chính sách, biện pháp phòng chống dịch phù hợp với từng đối tượng người dân như người cao tuổi, người có bệnh nền…
Trên nền tảng đó, NCOVI-CDC và ứng dụng NCOVI tạo thành một hệ thống liên thông, cung cấp công cụ phục vụ quản lý cách ly người dân tại địa phương. Đáng chú ý, giải pháp còn cung cấp tính năng kiểm soát tình trạng sức khỏe người dân tại các điểm kiểm soát. Cùng với đó, còn cung cấp kênh báo cáo, tổng hợp số liệu cho ngành Y tế các cấp để kịp thời nắm bắt thông tin và đưa ra các quyết định trong công tác khoanh vùng chống dịch.
Hiện, NCOVI-CDC và ứng dụng NCOVI được triển khai trên 705 quận huyện và 10.597 xã phường trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp. Sản phẩm nhận được đánh giá tốt từ khách hàng là các Sở Y tế, lãnh đạo các cơ sở Y tế giảm thiểu sai sót trong việc giám sát cách li và truy vết người có nguy cơ nhiễm bệnh...