09:34 AM|07/01/2020    2,903 lượt xem

  

Mặc dù đến ngày 1-11-2020, việc sử dụng hóa đơn giấy mới chấm dứt trên phạm vi cả nước để chuyển sang hóa đơn điện tử theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, song loại hình giao dịch “đa lợi ích” này đã được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Việc đồng loạt triển khai hóa đơn điện tử không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn giúp minh bạch hóa hoạt động của doanh nghiệp, tạo ra hệ sinh thái đầu tư - kinh doanh lành mạnh.

Là địa phương có tới 98,4% doanh nghiệp đã thực hiện kê khai thuế qua mạng và 95,3% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, Hà Nội sớm nhận thấy rõ những lợi ích từ việc đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống. Các con số trên thể hiện sự ủng hộ của doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh trong ứng dụng công nghệ mới vì cộng đồng này chiếm đến 97% số lượng doanh nghiệp, đóng góp hơn 40% GDP cho thành phố... Thuận lợi lớn khi triển khai hóa đơn điện tử đến các chủ thể này là để tối ưu hóa lợi nhuận, cắt giảm chi phí, thuận tiện trong thủ tục hành chính. Với những lợi ích lớn đó, cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới cũng như đón nhận sự hỗ trợ, khuyến khích của cơ quan thuế. 

>>Xem thêm: Hóa đơn điện tử VNPT và những điều cần biết

Song, trên bình diện chung, với nhiều lý do khác nhau, một số doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh vẫn chưa mặn mà với loại hóa đơn này. Trước hết là do thói quen ngại thay đổi hình thức giao dịch truyền thống là hóa đơn giấy. Bên cạnh đó, điểm xuất phát thấp, làm ăn nhỏ lẻ, trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin không cao cũng là rào cản. Thêm nữa, chi phí đầu tư để sử dụng hóa đơn điện tử không nhỏ khi phải có máy tính, trang thiết bị nối mạng, dịch vụ đường truyền... Trong khi đó, hạ tầng thông tin nhiều lúc, nhiều nơi chưa bảo đảm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Để hoàn thành mục tiêu từ ngày 1-11-2020, mọi giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ phải chuyển sang hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, rõ ràng còn nhiều việc phải làm, đòi hỏi triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Thứ nhất, Tổng cục Thuế cần chỉ đạo quyết liệt cơ quan thuế các địa phương triển khai hóa đơn điện tử đến từng doanh nghiệp; phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức nhiều hội nghị triển khai tập huấn, hướng dẫn áp dụng. Qua đó, mọi vướng mắc của người nộp thuế cần được giải đáp và tháo gỡ ngay. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ cùng những lợi ích vượt trội của hóa đơn điện tử.

Thứ hai, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử. Cần triển khai tốt hạ tầng bảo đảm kỹ thuật giúp doanh nghiệp ứng dụng thuận lợi cũng như giúp quá trình triển khai hóa đơn điện tử được nhanh chóng.

Thứ ba, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hạn chế kinh phí đào tạo, trang thiết bị ban đầu để họ đủ điều kiện áp dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra, cơ quan thuế các cấp cần thành lập tổ chuyên trách, các bộ phận chức năng và công bố các số điện thoại sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện hóa đơn điện tử.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cần bắt nhịp với tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa cũng như xu thế phát triển của thế giới bằng cách chủ động tìm hiểu, áp dụng các công nghệ hiện đại. Những lợi ích vượt trội của hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro không đáng có, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh... Khi những giải pháp trên được áp dụng hiệu quả, chắc chắn hóa đơn điện tử sẽ “phủ sóng” 100% các doanh nghiệp như lộ trình đề ra.  

Theo HNM

Từ khóa:

Hỗ trợ